Sau một thời gian trì hoãn đối phó và sau đó thực hiện các biện pháp quyết liệt như phong tỏa thành phố, Trung Quốc tuyên bố họ "về cơ bản đã khống chế được dịch". Trung Quốc ngày 13/3 chỉ ghi nhận 8 ca nhiễm mới, mức tăng số ca nhiễm thấp nhất kể từ khi nước này bắt đầu công bố số liệu từ 20/1. Trung Quốc đại lục ghi nhận 80.813 ca nhiễm nCoV, 3.176 người tử vong và hơn 64.000 người đã bình phục.
Bệnh nhân xuất viện Lôi Thần Sơn ở Vũ Hán hồi tháng hai. Ảnh: AFP . |
Trung Quốc khởi động chống dịch chậm trễ . Từ ngày 8/12/2019, một số người buôn bán và làm việc tại chợ hải sản Hoa Nam, nơi cũng bán động vật hoang dã, bắt đầu nhập viện với triệu chứng nhiễm nCoV. Giả thuyết được nhiều nhà khoa học ủng hộ là nCoV bắt nguồn từ loài dơi, đã lây sang động vật hoang dã được bán tại chợ và truyền sang người.
Tuy nhiên, còn nhiều tranh cãi về "bệnh nhân 0" của Covid-19. SCMP ngày 13/3 đưa tin họ thu được dữ liệu chính phủ cho thấy ca nhiễm đầu tiên là một người đàn ông 55 tuổi tại Hồ Bắc, được phát hiện ngày 17/11/2019. Trong khi đó, tạp chí y khoa Lancet cuối tháng hai công bố nghiên cứu của các bác sĩ Trung Quốc từ bệnh viện Kim Ngân Đàm ở Vũ Hán, nói rằng bệnh nhân đầu tiên được biết đến vào ngày 1/12. Các bác sĩ cho biết ca này không liên quan đến chợ Hoa Nam nhưng chợ là nơi virus đã lây lan diện rộng.
Ngày 31/12/2019, cơ quan y tế Vũ Hán thông báo 27 ca nhiễm liên quan đến chợ này và báo cáo cho WHO. Giới chức Vũ Hán ngày 1/1 đóng cửa và khử trùng chợ. Họ cho biết đã ngăn chặn virus tại ổ dịch, nguy cơ đã được hạn chế, không có bằng chứng virus lây từ người sang người.
Ngày 1/1, 8 người bị khiển trách vì "lan truyền tin đồn thất thiệt" về loại bệnh khi đó còn là ẩn số. Một trong số đó là Lý Văn Lượng , 34 tuổi, bác sĩ nhãn khoa tại bệnh viện Trung tâm Vũ Hán. Anh lo ngại SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng), dịch khởi phát tại Trung Quốc năm 2002, có thể đã quay trở lại khi chứng kiến 7 người nhập viện với bệnh viêm phổi bí ẩn.
Số ca nhiễm Vũ Hán tăng lên 44 vào ngày 3/1, các cơ quan y tế ở Hong Kong và Singapore ra khuyến cáo đi lại. Trung Quốc tuyên bố sự tồn tại của một "chủng virus corona mới" vào ngày 9/1 và ghi nhận ca tử vong đầu tiên hai ngày sau đó.
Trong giai đoạn 5-17/1, Trung Quốc không báo cáo ca nhiễm mới, trong khi Nhật Bản và Thái Lan phát hiện trường hợp dương tính đầu tiên.
Trong thời gian này, thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc vẫn tổ chức họp hội đồng nhân dân. Khi thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng đọc báo cáo thường niên trước hội đồng ngày 7/1, ông không đề cập đến dịch bệnh bùng phát.
Trong khi đó, các bác sĩ được lệnh giữ im lặng về nCoV và bằng chứng virus lây từ người sang người, theo Nghệ Phân, một trong những bác sĩ cảnh báo sớm về nCoV.
Bữa đại tiệc với sự tham gia của 40.000 gia đình do chính quyền Vũ Hán tổ chức để phá kỷ lục Guinness vẫn diễn ra vào ngày 18/1. Cùng ngày, Bắc Kinh cử một nhóm chuyên gia đến Vũ Hán để điều tra.
Ngày 20/1, chuyên gia hàng đầu Trung Quốc xác nhận nCoV lây từ người sang người. Cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra tuyên bố đầu tiên về Covid-19 với chỉ đạo ngắn gọn là "dốc toàn lực" để ngăn dịch.
Ngày này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong công tác chống dịch, khi 291 ca nhiễm đã được ghi nhận trên toàn Trung Quốc đại lục. Giới chức bắt đầu có hành động quyết liệt. Hoảng loạn bao trùm Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân, khi nó bị phong tỏa ngày 23/1. Phần còn lại của tỉnh Hồ Bắc sau đó cũng bị đặt trong vòng kiềm tỏa.
Các bệnh viện ở Vũ Hán lâm vào tình trạng quá tải và thiếu vật tư. Nhiều người có người thân không được điều trị kịp thời kể những câu chuyện thương tâm trên mạng xã hội. Để giảm gánh nặng lên các cơ sở y tế, Trung Quốc xây dựng thần tốc hai bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn, chuyển đổi các cơ sở như nhà thi đấu, trung tâm triển lãm thành 16 bệnh viện dã chiến khác và trưng dụng khách sạn, ký túc xá đại học làm trung tâm cách ly.
Hàng trăm triệu người đã đi lại trong và ngoài nước vào dịp kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trước khi các lệnh hạn chế đi lại được áp đặt. Virus lan ra khắp 31 tỉnh thành Trung Quốc và các nước khác. Ngày 30/1, WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Từ ngày 1 đến 7/2, số ca nhiễm ở Trung Quốc tăng vọt từ 11.791 lên 31.161, 636 người tử vong. Ngày 7/2, bác sĩ Lý Văn Lượng tử vong vì nCoV, gây ra làn sóng đau buồn và giận dữ .
Vài ngày sau, 4 quan chức địa phương cao cấp bị bãi nhiệm để xoa dịu dư luận, bao gồm các bí thư thành ủy Vũ Hán và bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc. Hồ Bắc ngày 13/2 ghi nhận bước nhảy vọt lớn, tăng 14.840 ca nhiễm chỉ trong một ngày do thay đổi tiêu chí thống kê. Thay đổi này bị đảo ngược một tuần sau, đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của dữ liệu Trung Quốc công bố.
Cho đến thời điểm này, ông Tập khá ít xuất hiện. Truyền thông quốc tế đánh giá vai trò của ông trong cuộc chiến chống dịch khá mờ nhạt. Tuy nhiên, ngày 15/2, Bắc Kinh công bố một bài phát biểu nội bộ của ông Tập trong cuộc họp với các quan chức đảng. Ông cho biết đã yêu cầu quan chức tập trung chống nCoV vào ngày 7/1, hai tuần trước khi ông phát biểu công khai về dịch.
Giới chuyên gia đánh giá đây là một động thái hiếm thấy từ lãnh đạo Trung Quốc. "Có vẻ như ông ấy đang tự bênh vực cho mình, giải thích ông đã làm mọi thứ trong khả năng để lãnh đạo công tác phòng chống dịch", nhà phân tích chính trị Wu Qiang tại Bắc Kinh nói.
Cuối tháng hai và đầu tháng ba, số ca nhiễm mới ở Hồ Bắc và các khu vực khác của Trung Quốc giảm dần trong khi dịch bùng phát mạnh ở Italy, Iran và Hàn Quốc. WHO ngày 11/3 tuyên bố Covid-19 là đại dịch. Dịch xuất hiện ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 130.000 người nhiễm, hơn 5.000 người tử vong và hơn 70.000 người bình phục.
Hồi cuối tháng hai, phái đoàn gồm 13 chuyên gia nước ngoài và 12 nhà khoa học Trung Quốc do WHO sắp xếp đã công bố báo cáo, chỉ ra các biện pháp giúp Trung Quốc xoay chuyển tình thế .
Biện pháp khắc nghiệt và gây tranh cãi nhất là phong tỏa hàng chục địa phương. Một số người nghi ngờ tính cần thiết của biện pháp này, đặc biệt tại những nơi cách xa Hồ Bắc và có khá ít ca bệnh, cũng như lo ngại về quyền tự do của người dân. Hơn 780 triệu người , tương đương hơn một nửa dân số Trung Quốc, bị hạn chế đi lại dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, báo cáo của phái đoàn WHO đánh giá chúng "phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn các ca bệnh di chuyển tới những khu vực khác trên đất nước".
Nhiều biện pháp "cách ly xã hội" cứng rắn khác cũng được thực hiện trên toàn quốc, bao gồm hủy các sự kiện thể thao, đóng cửa những tụ điểm tập trung đông người, kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh. Nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc cho làm từ xa. Bất cứ ai ra ngoài đều phải đeo khẩu trang.
Các quan chức Vũ Hán nói rằng việc phong tỏa tất cả khu dân cư từ ngày 11/2 là biện pháp quan trọng để kiềm chế lây lan, nhưng một số chuyên gia tin rằng nó dẫn đến nhiều ca lây nhiễm chéo trong hộ gia đình.
Mặc dù đánh giá những biện pháp này "hiệu quả", báo cáo của WHO cũng thừa nhận "hệ quả là cuộc sống của người dân vô cùng bó buộc", khiến công chúng tức giận với chính quyền. Khi Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan thị sát Vũ Hán ngày 5/3, người dân thét lên qua những ô cửa sổ: "Giả dối!".
Câu hỏi được đặt ra là liệu thế giới có thể học kinh nghiệm từ Trung Quốc , hoặc nếu các quốc gia khác áp dụng biện pháp phong tỏa trên diện rộng, họ có đạt hiệu quả tương tự hay không.
Adam Kamradt-Scott, phó giáo sư Đại học Sydney, chuyên gia an ninh y tế toàn cầu, cho rằng chính phủ các nước nên cố gắng ngăn chặn sự lây lan, nhưng biện pháp cần phù hợp với tính chất riêng của đợt bùng phát. "Có rất nhiều lựa chọn, bạn có thể đưa ra các biện pháp rất mạnh tay và ngăn chặn lây nhiễm một cách nhanh chóng, nhưng nó cũng gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng", ông nói.
"Chính phủ các nước có thể học tập cách giải quyết của Trung Quốc, nhưng những biện pháp này cũng làm dấy lên lo ngại về nhân quyền. Các nước có cách nhìn nhận khác nhau về vấn đề này", ông nói thêm.
Bruce Aylward, nhà dịch tễ học người Canada dẫn đầu phái đoàn của WHO, đánh giá bài học lớn nhất từ Trung Quốc là tốc độ xử lý. "Bạn càng phát hiện, cách ly và nắm bắt lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân nhanh bao nhiêu, việc phòng chống càng thành công bấy nhiêu. Trung Quốc đã chứng minh rằng bất chấp tình hình lây nhiễm nghiêm trọng, nếu bình tĩnh xắn tay áo tìm kiếm và theo dõi có hệ thống, bạn chắc chắn có thể thay đổi cục diện", ông nói.
Sau khi Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, hơn 42.000 nhân viên y tế khắp Trung Quốc đã được huy động đến tỉnh Hồ Bắc. Tình hình sức khỏe của người dân được theo dõi sát sao. Các hệ thống giám sát điện tử được triển khai.
Theo Aylward, để có thể tăng tốc độ ứng phó dịch bệnh, chính quyền cần cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, đồng thời đảm bảo hệ thống y tế vận hành nhanh chóng, tập trung điều tra lịch sử tiếp xúc với cộng đồng của các ca bệnh và thực hiện tốt công tác giám sát. "90% phản ứng của Trung quốc là như vậy", ông cho hay.
Ngày 10/3, ông Tập lần đầu tiên thăm Vũ Hán kể từ khi dịch bùng phát, truyền đi thông điệp rằng Trung Quốc đã "chiến thắng" Covid-19. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 12/3 tuyên bố nước này vượt qua đỉnh dịch.
"Giờ đây, mọi thứ đã tốt lên và ông ấy muốn thể hiện rằng đường lối lãnh đạo của mình đã thành công", Minxin Pei, giáo sư chính trị Trung Quốc tại Đại học Claremont McKenna ở California, Mỹ, bình luận. "Thông điệp phát đi là chúng ta giờ hãy nhìn xem cách phản ứng vụng về và kém cỏi của phương Tây".
Các chuyên gia quốc tế cho rằng Trung Quốc lẽ ra có thể khống chế Covid-19 dễ dàng và nhanh chóng hơn, ngăn nó tràn ra bên ngoài nếu giới chức kịp thời phản ứng vào đầu tháng một, khi số ca nhiễm ở Vũ Hán bắt đầu tăng lên, thay vì trì hoãn vài tuần rồi cuống cuồng phong tỏa thành phố vào cuối tháng, khi dịch có dấu hiệu mất kiểm soát.
Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang kể một câu chuyện hoàn toàn khác. Họ ca ngợi ông Tập là "lãnh đạo của nhân dân" đã dẫn dắt một "cuộc chiến toàn dân" đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời biến các nhân viên y tế trên tuyến đầu thành những người hùng biên dịch quốc gia.
Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc trong những ngày qua hoạt động rầm rộ, nhấn mạnh vào con số ca nhiễm trong nước đang giảm dần, trái ngược với số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng ở các nước khác. "Họ đang cố truyền đi những câu chuyện tích cực về nỗ lực xử lý tình hình của quốc gia cũng như đảng Cộng sản Trung Quốc".
Tuy nhiên, khi "gió đổi chiều", Trung Quốc đối mặt nỗi lo mới là " nhập ngược " ca nhiễm từ nước ngoài. Tính đến 11/3, 85 người từ nước ngoài vào Trung Quốc dương tính với nCoV. Bắc Kinh ngày 11/3 ra quy định tất cả người nước ngoài tới thành phố sẽ bị cách ly 14 ngày. Trước đó, Quảng Đông và Thượng Hải quy định tất cả người đến từ những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng phải cách ly trong 14 ngày.
"Số lượng ca nhiễm ngoại nhập nhiều khả năng sẽ gia tăng", Hitoshi Oshitani, giáo sư virus học tại Đại học Y khoa Tohoku ở Nhật Bản Toh, nói.
"Họ rõ ràng đã khống chế được Covid-19. Tuy nhiên, tình hình hiện giờ giống như dập cháy rừng, có khả năng chưa dập tắt hẳn. Dịch có thể bùng phát trở lại", Mike Osterholm, chuyên gia tại Đại học Minnesota, Mỹ, nói.
Phương Vũ (Theo AFP/Science/Vox/WSJ/WP/SCMP )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét